Nhà thơ, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng là một trong những người đã có nhiều đóng góp vào công tác cộng đồng người Việt tại Nga và như một nhịp cầu kết nối giữa văn học Nga và Việt Nam.
[size][url][/url][/size]
[size][url][/url][/size]
Nhà thơ, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng. (Ảnh: Bích Yến/Vietnam+)
Nhà thơ, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng là tác giả của hơn 20 đầu sách và nhiều bài báo, công trình khoa học được xuất bản ở Việt Nam và Liên bang Nga.
Ông đã dành nhiều năm để nghiên cứu và giảng dạy về văn học Nga. Sau gần một phần ba thế kỷ sinh sống và làm việc tại Xứ sở Bạch Dương, mảnh đất này đã mang lại cho ông những thành công trong khoa học và sự nghiệp sáng tác, nhưng cũng để lại cho ông một nỗi buồn sâu thẳm.
Ông là một trong những người đã có nhiều đóng góp vào công tác cộng đồng người Việt tại Nga và như một nhịp cầu kết nối giữa văn học Nga và Việt Nam.
Đồng thời, ông cũng được Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật thế giới Ukraine công nhận danh hiệu Viện sỹ.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với ông tại Thủ đô Moskva, Liên bang Nga.
- Thưa nhà thơ, cơ duyên nào đã đưa ông đến với nước Nga?
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Có thể nói, tôi đến với nước Nga là bằng con đường văn học. Tôi may mắn được tiếp xúc với văn chương từ rất sớm, với tủ sách của gia đình, của chú tôi.
Tôi đã chọn cuốn sách dịch đầu tiên về nước Nga, tôi còn nhớ, đó là tập truyện cổ tích Nga và thơ của Puskin, và văn học Nga là cánh cửa đầu tiên mở ra đưa tôi đến với thế giới.
Từ đó, tôi bắt đầu đọc và học văn học Nga. Sau này tôi làm luận án văn học Nga và sống ở nước Nga. Việc đến với nước Nga đối với tôi, quả thật như nhà thơ Lê Văn Nhân, tác giả một cuốn thơ bằng tiếng Nga, có đầu đề là (cuốn sách): "Từ nhà đến nhà,'' tôi cũng từ ngôi nhà Việt đến với ngôi nhà Nga. Rất may, tôi đã được học ở trường rất nổi tiếng của Nga, đó là Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxov và học với những bậc thầy đáng kính (MGU).
- Nhà thơ có thể cho biết lý do nào đã khiến ông ở lại nước Nga?
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Hiện nay, ở Nga có khoảng 120.000 người Việt Nam làm ăn và sinh sống. Mỗi người có một lý do để ở lại. Lý do của người ta thì là lý do mưu sinh, công việc, còn tôi thì có một lý do đặc biệt của mình. Lẽ ra sau khi bảo vệ luận án, tôi sẽ về Việt Nam và tiếp tục cái nghề mà tôi yêu thích là giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), nhưng cuối cùng, do những điều không may mắn tôi “đành nhắm mắt đưa chân“ ở lại và làm việc tại nước Nga.
- Nhìn lại chặng đường nghiên cứu văn học Nga của mình thì công trình khoa học nào khiến ông hài lòng nhất?
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Nước Nga là một cường quốc về công nghiệp nhưng đồng thời là cường quốc về văn hóa, văn học.
Nếu như trước thế kỷ 19, nước Nga được mệnh danh là ''người học trò không học thuộc bài của nền văn học châu Âu,'' nhưng bắt đầu từ thế kỷ 19 với sự ra đời của những nhà văn hiện thực mang tính khởi đầu, thì văn học Nga trở thành ''bậc thầy của nền văn học châu Âu.''
Tôi giảng dạy Pushkin rất nhiều năm ở Đại học Tổng hợp. Pushkin được ví như là ''Mặt Trời của nền thi ca Nga,'' cũng như Truyện kiều, Nguyễn Du cũng được coi như là ''Mặt Trời của nền thi ca Việt Nam'' vậy.
Sau này, tôi dạy tiếp toàn bộ các tác giả từ Pushkin đến hết các tác gia thế kỷ 19... Nhưng khi chọn làm luận án thì tôi đã chọn một nhà văn hiện thực nổi tiếng là Gogol, tác giả của ''Những linh hồn chết,'' tập truyện ngắn Sankt Peterburg và rất nhiều vở kịch, nhiều truyện ngắn khác.
Tôi có viết giáo trình và hàng chục bài báo khoa học về tác giả Pushkin. Còn Gogol thì ngoài những bài báo và giảng dạy thì tôi cũng viết một chuyên luận về thi pháp truyện ngắn của Gogol. Công trình này tôi dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất.
Cũng xin được nói, Gogol là một tác giả đặc biệt, cuộc đời ông có nhiều sự ly kỳ, huyền bí, và hình như điều đó vận vào số phận của tôi...
- Cách đây không lâu, qua chương trình VTV và một số báo chí trong nước, chúng tôi được biết, ông được công nhận danh hiệu Viện sỹ Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật thế giới Ukraina?
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Thật ra đó là cái may, tôi nghĩ nhiều người xứng đáng hơn tôi nhiều. Cùng được công nhận với tôi, có hai người khác nữa, trong đó có phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Hòa, ông vừa tròn 80 tuổi và suốt 40 năm nghiên cứu về văn học Ukraine.
Khi tôi thôi làm cộng tác viên từ Trường Đại học Tổng hợp MGU, tôi chuyển sang làm Cộng tác viên khoa học của Viện Kinh tế Pháp luật Moskva, ở đó mới thành lập Khoa xã hội học. Tại đó, tôi đã nhận học hàm giáo sư.
Sau khi trang tin của Viện đưa lên thì bên Ukraine có liên lạc và trao đổi với tôi, họ hỏi tôi có phải là tác giả của chuyên luận về thi pháp truyện ngắn của Gogol không, có phải tôi nghiên cứu và giảng dạy về Gogol không, có phải tôi nghiên cứu luận án tiến sỹ về Gogol không?
Và họ đặt vấn đề yêu cầu tôi viết và gửi lý lịch khoa học cho họ. Nơi nhận lý lịch khoa học của tôi chính là Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật thế giới Ukraina. Có cái dích dắc một chút, nhưng thực ra đó lại là cơ may cho tôi ,vì Gogol sinh ra tại Ukraine (1809). Ông sống tại quê nhà một thời gian, khi lớn lên ông chuyển sang làm việc ở Sankt Peterburg.
Ông viết tập truyện ngắn về Sankt Peterburg và hàng loạt tác phẩm khác bằng tiếng Nga và về nước Nga. Ở Nga coi ông là một nhà văn hiện thực vĩ đại thế kỷ XIX bên cạnh Pushkin và các nhà thơ, nhà văn Nga vĩ đại khác.
Nhưng Ukraina cho rằng Gogol là nhà văn sinh ra ở nước họ, nên là nhà văn của họ, họ lập giải thưởng Quốc gia Gogol. Họ coi Gogol là một trong những nhà văn vĩ đại của dân tộc họ. Biết tôi đã nghiên cứu và viết về ông nên họ vinh danh tôi. Tôi được vinh danh, chắc phần nhiều là do may mắn. Như tôi đã nói là Gogol vận vào số phận của tôi, cả nỗi buồn đau lẫn sự may mắn.
- Cá nhân tôi thiển nghĩ, đó không chỉ là may mắn, mà nó chính là kết quả của một quá trình lao động của ông. Ông nhận học hàm đó trong khi mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đang căng thẳng thì ông có gặp khó khăn gì không?
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Họ có đặt vấn đề mời tôi đến Ukraina nhận nhưng tôi yêu cầu họ gửi bằng qua đường bưu điện vì đi lại giữa Nga và Ukraine bây giờ không chút dễ dàng.
Trước đây khi Liên Xô chưa tan rã, Ukraine và các nước Cộng hòa đều nằm trong Liên bang Xô Viết, nhưng do sự biến cải của lịch sử, 25 năm nay, biên giới phân chia. Bây giờ hai nước không chỉ xa nhau mà còn xẩy ra xung đột, nhiều lúc tưởng như xẩy ra chiến tranh.
Nhưng tôi nghĩ sớm muộn gì thì hai nước cũng sẽ xích lại gần nhau, bởi vì, họ cùng chung cội nguồn văn hóa, cùng chung gốc tiếng Nga. Và hai đất nước đã gắn bó với nhau suốt 1000 năm lịch sử, không lẽ gì trong một khoảnh khắc vì một lý do chính trị mà hai bên chia rẽ.
Có thể, đó chỉ là một trong những khúc quanh của lịch sử thôi, chứ thế nào lịch sử cũng quay trở lại. Tôi vẫn viết thư trao đổi và liên lạc với Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật thế giới Ukraine. Thậm chí hiện giờ tôi và anh Nguyễn Xuân Hòa đang dịch cuốn sách của họ.
Cuốn sách sẽ được in ra trong năm nay và sẽ kết hợp với Đại sứ quán Ukraine ra mắt tại Hà Nội trong năm 2018.
- Một số sinh viên và đồng nghiệp của ông nói rằng, ông là người thuộc Truyện Kiều đến nỗi đọc ngược không sót một chữ nào?
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả. Bởi thực ra quê tôi rất nhiều người thuộc Truyện Kiều, bà tôi, mẹ tôi không biết chữ nhiều lắm mà cũng thuộc lòng, vì thế, tôi thuộc Truyện kiều có lẽ là đương nhiên thôi, nhưng không phải đọc ngược đâu.
Hơn nữa, dòng họ chúng tôi là thông gia với nhà Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Huy Tự lấy hai cháu ruột của Nguyễn Du, nên chúng tôi cũng gắn bó với dòng tộc Nguyễn và Truyện Kiều.
- Dấu mốc quan trọng vui nhất và buồn nhất trong cuộc đời của Ông ở nước Nga?
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Chuyện vui đối với tôi rất hiếm, chỉ có những niềm vui nho nhỏ, chỉ có chuyện buồn thôi. Nhà thơ Tế Hanh viết rằng: ''Những khi buồn nghĩ lại thấy vui vui/ Những khi vui nghĩ lại thấy ngùi ngùi.''
Như lúc này đây, tôi lại thấy ngùi ngùi. Tôi nghĩ là cuộc đời giống như một con sông, nó có những khúc ngoặt, có những lúc dữ dội, có những lúc êm đềm, nhưng tôi thì những khúc quanh và dữ dội hơi nhiều. Cái buồn nhất của tôi là, lúc tôi làm luận án ở Nga, tôi đưa con gái sang cùng ở với tôi. Con gái tôi học cách trường tôi 2km. Tôi cứ luôn động viên cháu học giỏi thì sẽ cho đi nghỉ. Thời đó, Liên Xô loạn lạc lắm. Cháu đã phấn đấu bằng tất cả khả năng của mình và đoạt được giải rất cao, mặc dù, lúc đó cháu mới vào học trường Nga.
Tôi đã nhờ một người quen đưa cháu đi nghỉ, vì lúc đó tôi chưa viết xong luận án. Cuối cùng cháu bị thất lạc , đó là nỗi buồn lớn nhất trong đời khiến tôi dường như suy sụp.
- Câu chuyện buồn về cháu Quỳnh Nga thất lạc cũng đã được giới báo chí-truyền thông của Việt Nam và các bạn Nga nhắc đến rất nhiều. Ông có tin vào lời tiên tri của nhà tiên tri Vanga rằng cháu sẽ quay trở về?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Bây giờ cháu đang ở ngoài tầm tay mình, mình chỉ ước vọng, hy vọng thôi, chân trời, góc bể không biết cháu ở nơi nào. Tôi bấu víu vào thế giới tâm linh và những nhà ngoại cảm, lấy đó một phần làm chỗ dựa tinh thần. Cơ may, là tôi đã liên hệ được với bà Vanga, một trong những nhà tiên tri nổi tiếng của nhân loại, trước khi bà mất. Bà nói rằng cháu sẽ về và tôi tin điều đó. Đó là tín điều bất di, bất dịch trong tôi! Tôi làm việc, sống và quyết tâm làm mọi thứ có lẽ cũng vì niềm hy vọng ấy.
- Chúng tôi được biết ông là một nhà thơ và đã xuất bản nhiều tập thơ, liệu ông có thể đọc cho chúng tôi nghe một vài câu thơ viết cho con, mà ông trăn trở nhất?
Nhà Thơ Nguyễn Huy Hoàng:
... Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng 9
Gió thay chiều đổi hướng những rừng cây
Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng
Con ở đâu trên cõi nước Nga này? (khóc)
- Thưa ông, theo chúng tôi được biết thì chính quyền Nga vẫn chưa có các chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với những người tài là người nước ngoài, có lẽ khác hẳn với châu Âu và Mỹ, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Nước Nga có chính sách riêng của họ. Nếu những người tài, người giỏi ở châu Âu thì họ có thể trở thành thẩm phán, cảnh sát, thị trưởng, thậm chí là Phó thủ tướng... nhưng ở Nga thì điều đó rất hiếm hoi, không chỉ đối với người Việt, mà còn đối với mọi nước khác.
Có một số người Việt được giảng dạy ở các trường đại học, làm tổ trưởng bộ môn hoặc chủ nhiệm một đề tài, hoặc một phòng thí nghiệm. Nhiều người rất giỏi nhưng chỉ được làm đến thế thôi. Chúng tôi chỉ quan tâm tới làm chuyên môn và các hoạt động khoa học.
- Thưa ông, tôi có thêm một câu hỏi này, cuối đời ông sẽ chọn sống ở đâu?
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, năm ngoái tôi đi Tây Tạng. Đó là là thế giới của chùa chiền và đạo sư, của đất Phật, tôi thấy thiên nhiên xung quanh cực kỳ hoang mạc, cực kỳ nghiệt ngã. Cách đây không lâu, tôi đi vùng Saudi Arabia, vùng Doha, Qatar, quả thật chỉ có sa mạc bời bời cát trắng và nắng nóng khùng khiếp.
Đi qua những miền đất ấy, tôi càng thấm thía rằng Việt Nam mình, đất nước muôn phần tươi đẹp, cây xanh bốn mùa, những dòng sông, cánh đồng bạt ngàn, biển mênh mông như vậy, tôi nghĩ không đâu đẹp bằng Việt Nam. Cho nên câu hỏi này rất trúng, nó xoáy vào tâm tưởng của tôi. Tôi sẽ về cùng nước Việt của tôi thôi.
- Lời chúc Tết của ông đến đồng nghiệp và công chúng Việt Nam?
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Là người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhiều năm sống xa Tổ quốc, tôi luôn luôn quan tâm tới văn hóa dân tộc.
Ngày Tết, Xuân về là lúc thể hiện một cách đầy đủ nhất những hoạt động và tinh thần văn hóa của nhân dân Việt Nam, tôi mong muốn nhân dân ta bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa của dân tộc; mong muốn nền văn học nghệ thuật Việt Nam phản ánh được một cách sâu sắc cuộc sống của nhân dân ta trong thời kỳ đổi mới, nhưng vẫn giữ được những giá trị và tinh hoa mà nhân dân ta đã sáng tạo và bảo vệ suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Tôi xin kính chúc những người làm văn hóa Việt Nam nói riêng và công chúng nhân dân Việt Nam nói chung mạnh khỏe, hạnh phúc và may mắn. Mong rằng thành công và những niềm vui luôn đến với chúng ta.
- Xin cảm ơn nhà thơ. Xin chúc ông và gia đình nhân dịp năm mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, an lành và sẽ sớm nắm tay con gái để trở về quê hương!
Bích Yến (Vietnam+)